Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Việt Nam cần có thị trường mua bán xử lý nợ xấu

(Habubank - cafef.vn) Việc mở toang cánh cửa thị trường nợ Việt Nam có thể dẫn đến rủi ro một lượng lớn tài sản bị nhà đầu tư nước ngoài mua rẻ. Trong khi đó, tiền trong nước vẫn đủ để giải quyết số nợ này.

Trước tình hình tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có một thị trường mua bán xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những con số thì không nói lên được điều gì về quy mô cũng như tiềm năng của một thị trường (nếu có) dành cho nợ xấu. Cuối năm 2011, nợ xấu của hệ thống tài chính ước khoảng 80.000 tỉ đồng. Nhưng chỉ riêng nợ của Vinashin đã lên đến 86.000 tỉ đồng (tính đến cuối năm 2009). Nếu thị trường nợ xấu ra đời chỉ dựa trên con số thống kê, ắt hẳn từ lâu đã có nguyên một “thị trường” chỉ để trao đổi mua bán nợ của Vinashin (chưa ai nói nợ Vinashin là nợ tốt cả).

Mua bán nợ xấu chỉ là một phần của nghiệp vụ mua bán xử lý nợ. Trên thị trường sơ cấp, các công ty quản lý tài sản, công ty mua bán nợ mua lại nợ của tổ chức tín dụng. Sau đó, tùy vào tính chất từng khoản nợ, họ sẽ xử lý, rồi đóng gói thành các sản phẩm tài chính để bán lại trên thị trường thứ cấp. Thị trường thứ cấp cho nợ xấu có thể là thị trường trái phiếu.

Ở Việt Nam đã xuất hiện những doanh nghiệp mua bán, xử lý nợ gồm Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của Doanh nghiệp (DATC) và công ty quản lý tài sản của các ngân hàng. Tuy nhiên, công ty quản lý tài sản của ngân hàng ít thực hiện việc mua bán nợ, mà chủ yếu là đòi nợ, xử lý phát mãi tài sản đảm bảo đối với các khoản nợ xấu. Đơn vị thực sự đảm nhận được vai trò này là DATC.

Vai trò thì lớn, nhưng quy mô và phạm vi hoạt động của DATC lại không đủ lớn so với nhu cầu giải quyết nợ xấu. Kể từ khi thành lập (năm 2003), Công ty đã giải quyết được khoảng 109 hồ sơ với tổng mệnh giá nợ và tài sản tài chính đã mua vào khoảng 7.000 tỉ đồng, một con số quá nhỏ so với khối lượng nợ xấu hiện nay.

DATC được thành lập với sứ mệnh chính là hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước. Nếu doanh nghiệp nhà nước chiếm 70% nợ xấu (theo thống kê của Ngân hàng Thế giới), tức khoảng 56.000 tỉ đồng thì 24.000 tỉ đồng còn lại là của khối doanh nghiệp tư nhân. Trách nhiệm giải cứu khối này không biết thuộc về ai. Tuy nhiên, gần đây có thông tin cho rằng DATC đang thương lượng mua lại nợ của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco), một doanh nghiệp tư nhân đang nợ hơn 1.500 tỉ đồng, để tái cấu trúc công ty này.

Một vấn đề được quan tâm là hiệu quả hoạt động của DATC như thế nào. Trong gần 10 năm hoạt động, vốn điều lệ của DATC vẫn là 2.000 tỉ đồng, không hề tăng lên. Con số này thấp hơn cả vốn của một ngân hàng thương mại nhỏ. Trong khi đó, trọng trách của DATC là giải cứu các doanh nghiệp có vấn đề về tài chính. Bản thân DATC khi nói về hiệu quả hoạt động chỉ đưa ra một vài cái tên doanh nghiệp đã được Công ty hỗ trợ vốn và cũng không nói rõ đã làm lợi đồng vốn như thế nào. Trong khi đó, để có một thị trường mua bán nợ phát triển, cần phải chứng minh được tính sinh lợi và hấp dẫn của khoản đầu tư.

Vậy nên mới có ý kiến cho rằng hãy để các tổ chức nước ngoài mua nợ và rộ lên câu chuyện Nhà nước thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư vào thị trường nợ xấu Việt Nam. Dẫu thị trường Việt Nam vẫn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nhưng không có cơ sở để khẳng định rằng khi nợ xấu tăng, hoạt động mua bán nợ xấu sẽ sôi động. Hơn nữa, Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính. Chi phí tái cấu trúc là bao nhiêu còn đang là vấn đề gây tranh cãi. Một khi chưa làm rõ vấn đề này, việc mở toang cánh cửa thị trường nợ Việt Nam có thể dẫn đến rủi ro một lượng lớn tài sản bị nhà đầu tư nước ngoài mua rẻ.

Trong khi đó, nguồn lực trong nước không phải là không có. Từ đầu năm 2012, tình hình tài chính của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện rõ rệt. Chỉ riêng nửa cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã hút về khoảng 30.000 tỉ đồng. Trần lãi suất huy động cũng giảm về mức 12%. Chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tính đến tháng 3.2012, tín dụng toàn hệ thống đã tăng trưởng âm 1,96% (theo Ngân hàng Nhà nước), trong khi mục tiêu cả năm là 15-17%. Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp hiện không hấp thụ hết vốn vay ngân hàng. Nếu vậy, lượng vốn không được hấp thụ kia sẽ như thế nào? Có thể ngân hàng thương mại sẽ cho vay liên ngân hàng hoặc gửi ở Ngân hàng Nhà nước. Nếu dòng tiền về lại Nhà nước thì Nhà nước vẫn có cơ sở để cấp vốn cho hoạt động xử lý nợ, cụ thể là thông qua DATC.

Nhưng nếu DATC chỉ tập trung xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước thì không công bằng. Bởi lẽ, mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp tư nhân. Trong 10 năm qua, tỉ suất lợi nhuận trước thuế/tổng vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa năm nào vượt quá 6%, thấp hơn so với mức bình quân trên 10% của khu vực tư nhân.

Vì vậy, để sử dụng vốn xử lý nợ hiệu quả, DATC nên mở rộng sang đối tượng tư nhân như trường hợp của Bianfishco. Sau khi xử lý, DATC có thể bán lại món nợ dưới dạng trái phiếu doanh nghiệp. Vậy bán cho ai? Ngân hàng có thể sẽ là người mua. Hiện trong nước có khoảng 20 công ty quản lý tài sản của các ngân hàng. Đây là cơ sở để hình thành một thị trường giúp giải quyết đầu ra cho những món nợ xấu. Về lâu dài, Nhà nước sẽ hoàn thiện dần hành lang pháp lý và kêu gọi thêm sự tham gia của tổ chức nước ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét