Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu những chiếc phao cứu sinh này được dùng một cách tràn lan cho cả những doanh nghiệp quá yếu thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.
Gỡ bí cho doanh nghiệp
Ngay sau khi biết quy định mới về gia hạn nợ, đích thân ông Nguyễn Tiến Thành, Tổng giám đốc Lilama 3 đã đôn đáo chạy đến các ngân hàng với hy vọng sẽ vay thêm được vốn duy trì hoạt động.
Ông Thành cho biết: “Tôi đã làm việc với ngân hàng, thực ra ngân hàng có tiền nhưng không biết cho ai vay vì tính theo điểm của ngân hàng, khách hàng đều xếp hàng không cho vay được. Nhưng tôi đánh giá cái đó không phải do nội tại doanh nghiệp mà do kinh tế chung, họ muốn cho vay cũng không được vì vi phạm.”
Còn đối với các ngân hàng thương mại, họ cũng thở phào nhẹ nhõm khi đồng vốn huy động được có thể tìm thấy địa chỉ để giải ngân.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông chia sẻ: Những doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng đang gặp khó khăn trong việc trả nợ đúng như cam kết cần được tiếp vốn để trụ lại. Hay nói ví von là một cơ thể sống nhưng đang thiếu máu cần phải bơm máu, ôxy để tiếp tục tồn tại. Việc cơ cấu lại nợ sẽ giải quyết tình huống trên.
“Chính sách trên của Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn đúng và hợp lý. Doanh nghiệp vừa tiếp tục được bơm vốn sản xuất kinh doanh mà không bị hạ uy tín kèm theo lãi suất phạt. Còn ngân hàng cũng giảm được nợ xấu,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được gia hạn nợ vì doanh nghiệp cũng có nhiều loại hình khác nhau, với tình hình tài chính khác nhau.
Chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại Đông Anh, Hà Nội chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi cho rằng, bên cạnh việc đồng ý gia hạn nợ, thì các ngân hàng đều yêu cầu doanh nghiệp phải huy động vốn để trả khoản nợ cũ thì ngân hàng mới cho vay tiếp.
“Thời điểm này chúng tôi huy động ở đâu được tiền tỷ để trả nợ ngân hàng, nếu có vay được thì lãi suất lại rất cao,” chị Mai cho biết.
Còn một doanh khác lại chọn cách thà bị chịu lãi phạt còn hơn là phải vay nóng bên ngoài để trả nợ ngân hàng mà không biết có vay lại được vốn giá rẻ hay không.
Thực tế hiện nay cho thấy, rõ ràng bên cạnh việc tiếp cận vốn, thì vấn đề hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế mới là điều đáng quan tâm hơn cả.
Cẩn trọng với làm đẹp báo cáo
Nhiều chuyên gia nhận định, việc gia hạn nợ này vẫn phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, như bất kỳ một liều thuốc nào vẫn có thể có tác dụng phụ, ví như thay vì giúp các doanh nghiệp khó tạm thời thì lại lợi dụng để che giấu nợ xấu làm đẹp báo cáo tài chính.
Đồng tình với nhận định trên, ông Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra, không nên nhầm lẫn bản chất việc cơ cấu lại nợ để tránh những rủi ro tiềm ẩn. Đó là cơ cấu lại nợ để giúp một cơ thể đang nhiễm bệnh trở nên khỏe chứ không phải "cây gậy thần" giúp doanh nghiệp chết đi có thể sống lại.
Việc cơ cấu lại nợ của các ngân hàng là nhằm “nuôi” nợ ở các doanh nghiệp có khả năng trả được nợ. Và việc cơ cấu không để nợ bị xuống hạng chứ không phải để “làm đẹp” phân loại nợ nần của ngân hàng.
Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, các ngân hàng nên tập trung cơ cấu lại nợ ở nhóm 1 và 2, nhất là nhóm 1. Ông Phước phân tích, tuy nhóm 1 là nhóm nợ đủ tiêu chuẩn nhưng với những khoản nợ tạm thời không trả được lãi nếu không được gia hạn nợ có nguy cơ bị chuyển xuống nhóm 2. Còn với khách hàng thuộc nhóm 2 – nợ cần chú ý (nhóm khách hàng nợ quá hạn dưới 90 ngày), nếu ngân hàng thấy có thể “nuôi” nợ, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thì sẽ giảm nguy cơ khách hàng bị chuyển xuống nhóm 3, 4...
Ông Phước ví von: "Dù bất luận như thế nào, việc cho phép cơ cấu lại nợ sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng và doanh nghiệp có thể dìu nhau vượt qua bão tố hiện nay". Song, vấn đề là cơ cấu nợ thế nào để ngân hàng không để mất “cả chì lẫn chài”.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần phải cảnh giác với cơ cấu nợ và không nên lạm dụng chính sách này. Trong trường hợp doanh nghiệp nào khó khăn về doanh thu, lượng tiền bán hàng, hàng tồn kho thì có thể cơ cấu giúp cho họ có thời gian để tiêu thụ hàng hóa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét