Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Hoán đổi nợ xấu của các NH Mỹ

Giá hợp đồng hoán đổi nợ xấu tại các ngân hàng lớn của Mỹ, trong đó có JPMorgan, lên cao nhất từ đầu năm 2012 do khủng hoảng Hy Lạp xấu đi.




Chỉ số trái phiếu đầu tư đã phát hành (off-the-run bond) tăng mạnh vào cuối ngày hôm qua 15/5, đảo ngược chiều giảm đầu ngày. Xu hướng này được cho là góp phần gây khoản lỗ 2 tỷ USD cho JPMorgan,

 Chi phí đảm các khoản nợ JPMorgan tăng 8 điểm cơ bản lên 147 điểm cơ bản, cao nhất kể từ đầu năm. Điều này có nghĩa để đảm bảo 10 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 5 năm, JPMorgan tốn 147.000USD một năm.

Giá hợp đồng hoán đổi nợ xấu của Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng lập kỷ lục cao mới kể từ đầu năm, của Goldman tăng lên 326 điểm từ 314 điểm, và Morgan Stanley tăng lên 425 điểm từ 411 điểm.

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Sáp nhập giúp Haububank hết nợ xấu

Dự thảo đề án đưa ra nhận định rằng, xu thế sáp nhập với các tổ chức tín dụng khác nhằm mở rộng quy mô và danh tiếng của ngân hàng trên thị trường đang được đẩy mạnh nhanh chóng và được sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước; việc sáp nhập cũng tạo cơ hội tốt cho ngân hàng thực hiện quá trình tái cơ cấu một cách toàn diện nhằm tạo ra một diện mạo mới cho ngân hàng sẵn sàng để phát triển sau giai đoạn kinh tế khủng hoảng.


Habubank hiện đã có hệ thống quy trình quy chế hoạt động tương đối hoàn thiện và có đội ngũ cán bộ quản lý nòng cốt có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn; có hệ thống gọn nhẹ - linh hoạt, đặc biệt có sự đoàn kết và nhất trí cao về chiến lược tái cấu trúc từ Hội đồng Quản trị, Ban điều hành đến toàn thể cán bộ công nhân viên.

Theo dự thảo đề án, với các yếu tố khách quan và sự cần thiết, “việc sáp nhập sẽ mang lại những lợi ích to lớn với bản thân Habubank nói riêng và hai ngân hàng sáp nhập nói chung”.


Cụ thể, việc sáp nhập với SHB sẽ giúp hai ngân hàng sáp nhập tiến tới trở thành một định chế tài chính vững mạnh và thương hiệu cũng mạnh hơn; đặc biệt Habubank không còn nợ xấu, hai ngân hàng sáp nhập có cơ hội để cùng điều hành một doanh nghiệp có quy mô lớn hơn và có sức cạnh tranh tốt hơn sau giai đoạn sáp nhập; mở rộng khả năng phát triển dịch vụ, đặc biệt là hoạt động bán lẻ do mạng lưới phân phối dịch vụ, thị phần lớn hơn; bổ sung lợi thế về quy mô trong phát triển kinh doanh, trong quản lý chi phí; những điểm mạnh của ngân hàng nhận sáp nhập sẽ hỗ trợ cho Habubank và ngược lại Habubank có nhiều điểm mạnh để hỗ trợ ngân hàng nhận sáp nhập.

Ngoài ra còn nhận được sự hỗ trợ và quan tâm của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình sáp nhập do việc sáp nhập nằm trong chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Nếu tiến hành sáp nhập thành công, theo Habubank, kế hoạch này sẽ tạo ra một định chế tài chính có khả năng tồn tại và phát triển. Định chế này có vốn điều lệ khoảng gần 9.000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng, hoạt động khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước; có số lượng khoảng 500.000 khách hàng; khoảng 5.000 nhân viên; có các công ty con, có khả năng cung cấp các hoạt động hỗ trợ, gia tăng lợi ích cho khách hàng và tăng thu nhập ngoài lãi cho ngân hàng; có địa bàn hoạt động trong khu vực Đông Dương với các chi nhánh tại Lào và Campuchia; có sự hậu thuẫn mạnh mẽ và có các khách hàng hoạt động trong những lĩnh vực cốt lõi cho sự phát triển của nền kinh tế như: than, khoáng sản, cây công nghiệp (cao su), phát triển hạ tầng và một lực lượng đông đảo các khách hàng SMEs hoạt động trong các ngành kinh tế khác nhau; có khả năng cung cấp các dịch vụ hiệu quả và an toàn cho một khối lượng lớn các khách hàng cá nhân…

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Việt Nam cần có thị trường mua bán xử lý nợ xấu

(Habubank - cafef.vn) Việc mở toang cánh cửa thị trường nợ Việt Nam có thể dẫn đến rủi ro một lượng lớn tài sản bị nhà đầu tư nước ngoài mua rẻ. Trong khi đó, tiền trong nước vẫn đủ để giải quyết số nợ này.

Trước tình hình tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có một thị trường mua bán xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những con số thì không nói lên được điều gì về quy mô cũng như tiềm năng của một thị trường (nếu có) dành cho nợ xấu. Cuối năm 2011, nợ xấu của hệ thống tài chính ước khoảng 80.000 tỉ đồng. Nhưng chỉ riêng nợ của Vinashin đã lên đến 86.000 tỉ đồng (tính đến cuối năm 2009). Nếu thị trường nợ xấu ra đời chỉ dựa trên con số thống kê, ắt hẳn từ lâu đã có nguyên một “thị trường” chỉ để trao đổi mua bán nợ của Vinashin (chưa ai nói nợ Vinashin là nợ tốt cả).

Mua bán nợ xấu chỉ là một phần của nghiệp vụ mua bán xử lý nợ. Trên thị trường sơ cấp, các công ty quản lý tài sản, công ty mua bán nợ mua lại nợ của tổ chức tín dụng. Sau đó, tùy vào tính chất từng khoản nợ, họ sẽ xử lý, rồi đóng gói thành các sản phẩm tài chính để bán lại trên thị trường thứ cấp. Thị trường thứ cấp cho nợ xấu có thể là thị trường trái phiếu.

Ở Việt Nam đã xuất hiện những doanh nghiệp mua bán, xử lý nợ gồm Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của Doanh nghiệp (DATC) và công ty quản lý tài sản của các ngân hàng. Tuy nhiên, công ty quản lý tài sản của ngân hàng ít thực hiện việc mua bán nợ, mà chủ yếu là đòi nợ, xử lý phát mãi tài sản đảm bảo đối với các khoản nợ xấu. Đơn vị thực sự đảm nhận được vai trò này là DATC.

Vai trò thì lớn, nhưng quy mô và phạm vi hoạt động của DATC lại không đủ lớn so với nhu cầu giải quyết nợ xấu. Kể từ khi thành lập (năm 2003), Công ty đã giải quyết được khoảng 109 hồ sơ với tổng mệnh giá nợ và tài sản tài chính đã mua vào khoảng 7.000 tỉ đồng, một con số quá nhỏ so với khối lượng nợ xấu hiện nay.

DATC được thành lập với sứ mệnh chính là hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước. Nếu doanh nghiệp nhà nước chiếm 70% nợ xấu (theo thống kê của Ngân hàng Thế giới), tức khoảng 56.000 tỉ đồng thì 24.000 tỉ đồng còn lại là của khối doanh nghiệp tư nhân. Trách nhiệm giải cứu khối này không biết thuộc về ai. Tuy nhiên, gần đây có thông tin cho rằng DATC đang thương lượng mua lại nợ của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco), một doanh nghiệp tư nhân đang nợ hơn 1.500 tỉ đồng, để tái cấu trúc công ty này.

Một vấn đề được quan tâm là hiệu quả hoạt động của DATC như thế nào. Trong gần 10 năm hoạt động, vốn điều lệ của DATC vẫn là 2.000 tỉ đồng, không hề tăng lên. Con số này thấp hơn cả vốn của một ngân hàng thương mại nhỏ. Trong khi đó, trọng trách của DATC là giải cứu các doanh nghiệp có vấn đề về tài chính. Bản thân DATC khi nói về hiệu quả hoạt động chỉ đưa ra một vài cái tên doanh nghiệp đã được Công ty hỗ trợ vốn và cũng không nói rõ đã làm lợi đồng vốn như thế nào. Trong khi đó, để có một thị trường mua bán nợ phát triển, cần phải chứng minh được tính sinh lợi và hấp dẫn của khoản đầu tư.

Vậy nên mới có ý kiến cho rằng hãy để các tổ chức nước ngoài mua nợ và rộ lên câu chuyện Nhà nước thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư vào thị trường nợ xấu Việt Nam. Dẫu thị trường Việt Nam vẫn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nhưng không có cơ sở để khẳng định rằng khi nợ xấu tăng, hoạt động mua bán nợ xấu sẽ sôi động. Hơn nữa, Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính. Chi phí tái cấu trúc là bao nhiêu còn đang là vấn đề gây tranh cãi. Một khi chưa làm rõ vấn đề này, việc mở toang cánh cửa thị trường nợ Việt Nam có thể dẫn đến rủi ro một lượng lớn tài sản bị nhà đầu tư nước ngoài mua rẻ.

Trong khi đó, nguồn lực trong nước không phải là không có. Từ đầu năm 2012, tình hình tài chính của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện rõ rệt. Chỉ riêng nửa cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã hút về khoảng 30.000 tỉ đồng. Trần lãi suất huy động cũng giảm về mức 12%. Chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tính đến tháng 3.2012, tín dụng toàn hệ thống đã tăng trưởng âm 1,96% (theo Ngân hàng Nhà nước), trong khi mục tiêu cả năm là 15-17%. Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp hiện không hấp thụ hết vốn vay ngân hàng. Nếu vậy, lượng vốn không được hấp thụ kia sẽ như thế nào? Có thể ngân hàng thương mại sẽ cho vay liên ngân hàng hoặc gửi ở Ngân hàng Nhà nước. Nếu dòng tiền về lại Nhà nước thì Nhà nước vẫn có cơ sở để cấp vốn cho hoạt động xử lý nợ, cụ thể là thông qua DATC.

Nhưng nếu DATC chỉ tập trung xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước thì không công bằng. Bởi lẽ, mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp tư nhân. Trong 10 năm qua, tỉ suất lợi nhuận trước thuế/tổng vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa năm nào vượt quá 6%, thấp hơn so với mức bình quân trên 10% của khu vực tư nhân.

Vì vậy, để sử dụng vốn xử lý nợ hiệu quả, DATC nên mở rộng sang đối tượng tư nhân như trường hợp của Bianfishco. Sau khi xử lý, DATC có thể bán lại món nợ dưới dạng trái phiếu doanh nghiệp. Vậy bán cho ai? Ngân hàng có thể sẽ là người mua. Hiện trong nước có khoảng 20 công ty quản lý tài sản của các ngân hàng. Đây là cơ sở để hình thành một thị trường giúp giải quyết đầu ra cho những món nợ xấu. Về lâu dài, Nhà nước sẽ hoàn thiện dần hành lang pháp lý và kêu gọi thêm sự tham gia của tổ chức nước ngoài.

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Ngân hàng gỡ bí cho doanh nghiệp

Habubank - Trong thời gian qua, đã có nhiều hiến kế để cứu doanh nghiệp thoát khỏi "đống bùn lầy", tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không thể cứu doanh nghiệp bằng mọi giá. Chỉ những doanh nghiệp đang có khó khăn tạm thời mới được tháo gỡ nút thắt về vốn để phục hồi, duy trì sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu những chiếc phao cứu sinh này được dùng một cách tràn lan cho cả những doanh nghiệp quá yếu thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.

Gỡ bí cho doanh nghiệp



Công ty cổ phần xây lắp Lilama 3 đang có một khoản vay ngân hàng (bank) chậm trả do chủ đầu tư chưa thanh toán cho doanh nghiệp, vì vậy ngân hàng hạ xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp. Với thông tin xếp hạng được chia sẻ trong cả hệ thống, doanh nghiệp không chỉ bị hạn chế vay từ ngân hàng đó, mà cũng khó có thể vay từ bất kỳ ngân hàng nào khác. Kết quả là doanh nghiệp thiếu đến 20 tỷ đồng vốn hoạt động, dù đã ký được hợp đồng đầu ra, doanh nghiệp chỉ có thể hoạt động cầm chừng, vốn đến đâu - làm đến đấy.

Ngay sau khi biết quy định mới về gia hạn nợ, đích thân ông Nguyễn Tiến Thành, Tổng giám đốc Lilama 3 đã đôn đáo chạy đến các ngân hàng với hy vọng sẽ vay thêm được vốn duy trì hoạt động.

Ông Thành cho biết: “Tôi đã làm việc với ngân hàng, thực ra ngân hàng có tiền nhưng không biết cho ai vay vì tính theo điểm của ngân hàng, khách hàng đều xếp hàng không cho vay được. Nhưng tôi đánh giá cái đó không phải do nội tại doanh nghiệp mà do kinh tế chung, họ muốn cho vay cũng không được vì vi phạm.”

Còn đối với các ngân hàng thương mại, họ cũng thở phào nhẹ nhõm khi đồng vốn huy động được có thể tìm thấy địa chỉ để giải ngân.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông chia sẻ: Những doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng đang gặp khó khăn trong việc trả nợ đúng như cam kết cần được tiếp vốn để trụ lại. Hay nói ví von là một cơ thể sống nhưng đang thiếu máu cần phải bơm máu, ôxy để tiếp tục tồn tại. Việc cơ cấu lại nợ sẽ giải quyết tình huống trên.

“Chính sách trên của Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn đúng và hợp lý. Doanh nghiệp vừa tiếp tục được bơm vốn sản xuất kinh doanh mà không bị hạ uy tín kèm theo lãi suất phạt. Còn ngân hàng cũng giảm được nợ xấu,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được gia hạn nợ vì doanh nghiệp cũng có nhiều loại hình khác nhau, với tình hình tài chính khác nhau.

Chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại Đông Anh, Hà Nội chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi cho rằng, bên cạnh việc đồng ý gia hạn nợ, thì các ngân hàng đều yêu cầu doanh nghiệp phải huy động vốn để trả khoản nợ cũ thì ngân hàng mới cho vay tiếp.

“Thời điểm này chúng tôi huy động ở đâu được tiền tỷ để trả nợ ngân hàng, nếu có vay được thì lãi suất lại rất cao,” chị Mai cho biết.

Còn một doanh khác lại chọn cách thà bị chịu lãi phạt còn hơn là phải vay nóng bên ngoài để trả nợ ngân hàng mà không biết có vay lại được vốn giá rẻ hay không.

Thực tế hiện nay cho thấy, rõ ràng bên cạnh việc tiếp cận vốn, thì vấn đề hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế mới là điều đáng quan tâm hơn cả.

Cẩn trọng với làm đẹp báo cáo

Nhiều chuyên gia nhận định, việc gia hạn nợ này vẫn phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, như bất kỳ một liều thuốc nào vẫn có thể có tác dụng phụ, ví như thay vì giúp các doanh nghiệp khó tạm thời thì lại lợi dụng để che giấu nợ xấu làm đẹp báo cáo tài chính.

Đồng tình với nhận định trên, ông Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra, không nên nhầm lẫn bản chất việc cơ cấu lại nợ để tránh những rủi ro tiềm ẩn. Đó là cơ cấu lại nợ để giúp một cơ thể đang nhiễm bệnh trở nên khỏe chứ không phải "cây gậy thần" giúp doanh nghiệp chết đi có thể sống lại.

Việc cơ cấu lại nợ của các ngân hàng là nhằm “nuôi” nợ ở các doanh nghiệp có khả năng trả được nợ. Và việc cơ cấu không để nợ bị xuống hạng chứ không phải để “làm đẹp” phân loại nợ nần của ngân hàng.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, các ngân hàng nên tập trung cơ cấu lại nợ ở nhóm 1 và 2, nhất là nhóm 1. Ông Phước phân tích, tuy nhóm 1 là nhóm nợ đủ tiêu chuẩn nhưng với những khoản nợ tạm thời không trả được lãi nếu không được gia hạn nợ có nguy cơ bị chuyển xuống nhóm 2. Còn với khách hàng thuộc nhóm 2 – nợ cần chú ý (nhóm khách hàng nợ quá hạn dưới 90 ngày), nếu ngân hàng thấy có thể “nuôi” nợ, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thì sẽ giảm nguy cơ khách hàng bị chuyển xuống nhóm 3, 4...

Ông Phước ví von: "Dù bất luận như thế nào, việc cho phép cơ cấu lại nợ sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng và doanh nghiệp có thể dìu nhau vượt qua bão tố hiện nay". Song, vấn đề là cơ cấu nợ thế nào để ngân hàng không để mất “cả chì lẫn chài”.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần phải cảnh giác với cơ cấu nợ và không nên lạm dụng chính sách này. Trong trường hợp doanh nghiệp nào khó khăn về doanh thu, lượng tiền bán hàng, hàng tồn kho thì có thể cơ cấu giúp cho họ có thời gian để tiêu thụ hàng hóa./.

Tình hình nợ nần của bất động sản


Habubank - Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn nên tình trạng nợ đọng ngày càng thêm nghiêm trọng. Nếu không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép giãn, hoãn các khoản nợ, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản và các dự án bất động sản sẽ phải dừng lại.

Nợ đọng 12.000 tỷ đồng

Thị trường bất động sản chững lại từ đầu năm 2011 khiến kế hoạch thu tiền sử dụng đất của Hà Nội đứng trước nguy cơ phá sản. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong khi triển khai dự án, dẫn tới tình trạng nợ đọng tiền sử dụng đất lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó, số nợ xấu, khó đòi cũng lên tới trên 500 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, ông Lê Văn Hoạt, trong cuộc giám sát về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua, đoàn giám sát của HĐND TP được Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, kế hoạch thu tiền sử dụng đất của Hà Nội năm 2011 là 15.403 tỷ đồng (trong đó, có hơn 4.200 tỷ đồng chuyển tiếp từ năm 2010), nhưng đến hết tháng 9-2011 mới thu được khoảng 3.049 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, trong 3 tháng còn lại của năm 2011, thành phố sẽ phải thu hơn 12.000 tỷ đồng nữa mới hoàn thành được kế hoạch.

Cũng ghi nhận có tình trạng doanh nghiệp nợ đọng tiền sử dụng đất rất lớn, ông Vũ Đức Bảo, Bí thư quận uỷ Long Biên nói: "Tình trạng nợ đọng tiền sử dụng đất tại các quận, huyện hiện nay rất lớn. Riêng quận Long Biên hiện có một số dự án bất động sản, kể cả dự án khu đô thị mới, đang nợ khoảng 600-700 tỷ đồng tiền sử dụng đất chưa thu được. Trong khi đó, tổng thu ngân sách của quận có tỷ trọng thu từ nguồn này là chủ yếu". Cũng theo ông Vũ Đức Bảo, nguyên nhân của việc nợ đọng lớn là do thị trường bất động sản nguội lạnh ảnh hưởng đến khả năng nộp tiền sử dụng đất của doanh nghiệp. Ông phân tích: "Thị trường bất động sản chững lại liên quan đến rất nhiều vấn đề, nhất là đối với những quận, huyện có tốc độ đô thị hoá cao như Long Biên. Sản phẩm các doanh nghiệp làm ra không bán được dù đã hạ giá tới 20%. Đây đang là thách thức lớn với toàn thành phố. Nếu vẫn tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, trong năm 2012, việc triển khai các dự án bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều dự án sẽ không triển khai được nên dù không cố tình chây ỳ, nhưng doanh nghiệp cũng không có tiền để nộp vào ngân sách".

Phân tích cơ cấu khoản chậm thu khổng lồ nói trên, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, bà Phùng Thị Hồng Hà cho biết, theo đánh giá của cơ quan thuế, nợ xấu, nợ khó có khả năng thu hồi khoảng hơn 525 tỷ đồng. Trong đó, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Xa La (Hà Đông) - nợ xấu 116 tỷ đồng; dự án tại khu đất HH5 (Long Biên) nợ 156 tỷ đồng (có quyết định thu tiền từ lâu nhưng chưa nộp); Khu đô thị Thạch Bàn (Long Biên) nợ 147 tỷ đồng; một Công ty Cơ điện nợ 106 tỷ đồng… "Các doanh nghiệp này đã nợ quá lâu, thành phố khó có khả năng thu hồi được", bà nói.

Cứu doanh nghiệp cách nào?

Từ gần 1 năm nay, đã có rất nhiều ý kiến thảo luận xung quanh việc giải cứu thị trường bất động sản. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép nới tín dụng đối với một số lĩnh vực liên quan tới bất động sản. Thế nhưng, liều thuốc tăng lực này được cho là chưa đủ trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã ngấp nghé bờ phá sản. Minh chứng rõ nét cho tình hình này là nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Địa ốc Dầu khí và Công ty Sài Gòn Mê Kông vì kẹt tiền, tới hạn thanh toán với nhà băng đã buộc phải chấp nhận bán hạ giá nhà tới 35%. Một doanh nghiệp không ngần ngại nói thẳng với báo chí: "Đang có làn sóng bán tháo ra BĐS do áp lực về tài chính trả nợ". Vậy nhưng, bán tháo liệu đã có khách chịu mua? Đại diện Hiệp hội bất động sản TP. HCM phân vân: "Có quá nhiều người bán hạ giá càng khiến thị trường rớt thảm hơn vì lực cầu lúc này rất thấp. Một vài công ty bán đại hạ giá, nhưng số khách quan tâm rất ít. Một phần vì khách hàng không có tiền để mua, thêm nữa họ vẫn tiếp tục chờ giá rớt sâu hơn nữa chứ không mua ngay lúc này".

Bình luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa nói: "Ngân hàng Nhà nước đã tháo vốn tín dụng cho một số lĩnh vực xây dựng, đầu tư ở kênh bất động sản, nhưng tôi cho rằng ngân hàng cần hỗ trợ mạnh hơn nữa. Sắp tới, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia sẽ đưa ra các đề xuất rót thêm tín dụng cho các lĩnh vực khác của bất động sản". TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương nêu quan điểm: "Nợ xấu bất động sản trong hệ thống chắc chắn có và ai cũng biết, nhưng lúc này doanh nghiệp và ngân hàng phải ngồi lại bàn với nhau. Cả hai phải tin nhau thì mới có hướng giải quyết các khó khăn về thanh khoản, về nợ. Bởi nếu doanh nghiệp có bị phá sản thì ngân hàng cũng bị tác động dây chuyền rất lớn".

Theo Sở Tài chính Hà Nội, trong 12.000 tỷ đồng nợ tiền đất, khoản nợ lớn nhất (hơn 9.450 tỷ đồng) phát sinh do chính sách ưu đãi giãn, hoãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư. Tuy thế, ưu đãi là có thời hạn và cũng chỉ vài tháng nữa, các doanh nghiệp sẽ phải tới hạn thanh toán. Thế nên, trong rất nhiều gói giải pháp để thị trường không đổ vỡ, chính sách tài chính cho phép doanh nghiệp được tiếp tục giãn, hoãn tiền đất sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Khoảng thời gian hoãn thuế chừng 6 tháng tới 1 năm lúc này chính là liều thuốc "an thần" quý giá giúp doanh nghiệp kịp nghỉ lấy lại sức để chống chọi với băng giá của thị trường.

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Habubank nói về ngành tài chính ngân hàng

Habubank - Tài chính ngân hàng là một ngành khá là rộng. Ở rất nhiều nước thì ngành Tài chính Ngân hàng và Kế toán thường đi kèm với nhau.

Ngành học này liên quan đến tất cả các dịch vụ giao dịch, luân chuyển tiền tệ chính vì vậy nó có rất nhiều các lĩnh vực chuyên ngành hẹp mà tuy thuộc vào mục tiêu đào tạo của từng trường.


Ở Việt Nam thì tuỳ thuộc định hướng của từng trường mà sẽ chọn các chuyên ngành hẹp khác nhau. Có thể hoạt động theo lĩnh vực vĩ mô lẫn vi mô.

Ở lĩnh vực vĩ mô thì sinh viên ra trường có thể làm việc tại các Ngân hàng (bank) Nhà nước, Bộ tài chính. Nhiệm vụ của người tốt nghiệp ở lĩnh vực này là định hướng các chiến lược chính sách, chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khoá cho Chính Phủ.

Nếu nói ở lĩnh vực này thì ngành Tài chính Ngân hàng khá quan trọng. Nó liên quan đến hai hoạt động điều hành chính sách cơ bản đó là chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.

Ở nước ta thì trong thời gian vừa qua việc điều hành chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá có ảnh hưởng rất lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy sẽ có rất nhiều triển vọng cho sinh viên theo học ngành này.

Chúng ta có thể coi lưu chuyển tiền tệ giống như các mạch máu trong cơ thể vì nó có nhiệm vụ đảm bảo hoạt động cho toàn bộ hệ thống chứ không phụ thuộc vào hiện tại như khủng hoảng tài chính thế giới nên triển vọng việc làm không bao giờ hạn hẹp.

Ở lĩnh vực vĩ mô thì chúng ta có ngành liên quan mà nhiều trường đào tạo đó là Tài chính công.

Về mặt vi mô chúng ta có thể chia ngành Tài chính Ngân hàng thành nhiều lĩnh vực khác nhau. Chuyên ngành quan trọng số 1 là chuyên ngành Tài chính. Hầu hết các khoa Tài chính Ngân hàng ở các trường ĐH trên thế giới đều có chuyên ngành này. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa có chuyên ngành Tài chính một cách đúng nghĩa mà thay vào đó là chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp.

Chuyên ngành quan trọng số 2 là chuyên ngành Ngân hàng (bank). Ở Việt Nam thì chúng ta hầu hết đào tạo chuyên ngành này.

Bên cạnh các chuyên ngành Tài chính và chuyên ngành Ngân hàng thì có rất nhiều chuyên ngành chuyên sâu khác. Chẳng hạn như, chuyên ngành Phân tích tài chính, kinh tế học tài chính…

Sự phù hợp nghề

Ngành Tài chính Ngân hàng đòi hỏi sự sáng tạo và tính năng động. Vì vậy yêu cầu đầu tiên đối với người học ngành này là phải có sự đam mê và thích làm việc tới các lĩnh vực liên quan đến tiền. Niềm đam mê rất quan trọng, vì nếu có đam mê thì mới có khả năng sáng tạo.

Yêu cầu thứ 2 là đòi hỏi người học cần có tính sáng tạo. Làm trong lĩnh vực tài chính Ngân hàng mà không có tính sáng tạo thì chỉ có thể trở thành nhân viên làm các công việc hết sức đơn giản như Thu ngân chẳng hạn.

Yếu tố thứ 3 cũng khá là quan trọng đó là tính năng động. Sinh viên ngoài việc học các kiến thức về Tài chính - Ngân hàng thì cần phải có các kỹ năng mềm như giao tiếp với khách hàng, giới thiệu sản phẩm, thuyết phục khách hàng… do đó nếu có tính năng động thì người học sẽ rất thành công với ngành này.


Habubank không còn nợ xấu