Theo thông báo, sau vụ SHB thâu tóm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank), thì việc duy trì đánh giá tín nhiệm của SHB phản ánh quan điểm của Moody’s về: (i) kế hoạch của ngân hàng sau sáp nhập về giải quyết và dự phòng
nợ xấu, nhất là nợ xấu của Vinashin; (ii) lượng tiền mặt không đáng kể dùng cho vụ thâu tóm, trong khi đóng vai trò chính sẽ là một thỏa thuận hoán đổi cổ phiếu; và (iii) sự cải thiện về nguồn vốn theo như được ghi nhận tính tới thời điểm này của ngân hàng sau sáp nhập.
Thông báo cũng cho biết, việc cắt giảm triển vọng tín nhiệm của SHB, đồng nghĩa với khả năng ngân hàng này có thể bị hạ điểm tín nhiệm trong thời gian tới, cho thấy Moody’s tiếp tục nhận thấy những bất ổn xung quanh vụ sáp nhập với Habubank, đặc biệt là về phương hướng trong thời gian tới đối với chất lượng tài sản của ngân hàng sáp nhập và hiệu quả lợi nhuận để đáp ứng những yêu cầu về
dự phòng nợ xấu xuất phát từ sổ sách cho vay tương đối yếu kém của Habubank.
Theo Moody’s, mặc dù các mức điểm tín nhiệm hiện tại của SHB đã phản ánh một mức độ nhất định về khả năng xấu đi trong các con số tài chính và môi trường kinh doanh của ngân hàng này, việc đánh giá thực tế tình hình tài chính của ngân hàng sau sáp nhập đòi hỏi phải có thời gian theo dõi dài hơn, khoảng từ 12-18 tháng.
Moody’s khẳng định, triển vọng tiêu cực đối với độ khả tín của SHB chủ yếu xuất phát từ hồ sơ tín dụng yếu kém của Habubank và quy mô lớn của vụ sáp nhập so với quy mô của SHB, gây ra áp lực đối với chất lượng tín dụng của ngân hàng này, và xét cho cùng là của ngân hàng sáp nhập, so với tình hình tài chính khá lành mạnh của SHB trước khi sáp nhập.
Theo số liệu mà Moody’s đưa ra, tỷ lệ nợ xấu của SHB tính đến cuối năm 2011 là 2,2%, trong khi của
Habubank nợ xấu là 4,4%. Ngoài ra, nếu tính cả những khoản vay của Vinashin, thì tỷ lệ nợ xấu của Habubank có thể lên tới 16,7%. Tuy nhiên, Moody’s cho rằng, rủi ro từ các khoản nợ của Vinashin đối với ngân hàng sáp nhập sẽ được hạn chế phần nào nếu dự phòng được thiết lập đầy đủ trong thời gian 5 năm. Ngoài ra, mọi khoản vay của Vinashin đều có thế chấp, một phần có thể khôi phục trong 6-12 tháng tới.
Tuy nhiên, còn chưa rõ liệu ngân hàng sau sáp nhập có thể tạo ra đủ lợi nhuận ròng trong năm nay để đủ dự phòng khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng cho kịch bản xấu nhất, trong đó có dự phòng cho nợ của Vinashin (được khấu trừ trong vòng 5 năm) và các khoản vay chịu sức ép khác. Ngoài ra, các thông số về lợi nhuận của Habubank cũng yếu hơn của SHB, với tỷ lệ của lợi nhuận ròng so với tài sản có cấp độ rủi ro trung bình là dưới 1%, so với mức 2,3% của SHB.
Về phương diện vốn, Moody’s nêu rõ, vụ sáp nhập giữa SHB và Habubank sẽ được thực hiện thông qua một thỏa thuận hoán đổi cổ phiếu. SHB sẽ phát hành 405 triệu cổ phiếu mới cho vụ sáp nhập này, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương số vốn cấp 1 là 4,05 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ vốn cấp 1 của ngân hàng sau sáp nhập ước tính vào khoảng 13,3%, hầu như không thay đổi so với mức 13,2% của SHB vào thời điểm cuối năm 2011.
Bên cạnh đó, Moody’s cũng chỉ ra rằng, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn (liquidity ratio) của Habubank cũng thấp hơn nhiều so với của SHB. Trong đó, tỷ lệ giữa tổng dư nợ so với tổng tiền gửi của Habubank là 120% tính đến cuối năm 2011, so với mức 84% của SHB.
Tuy nhiên, Moody’s cũng nói thêm rằng, dựa trên báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 chưa được kiểm toán, thì tỷ lệ trên có thể đã giảm về 90% đối với Habubank và 75% đối với SHB, chủ yếu do tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Bên cạnh hồ sơ tín dụng chịu sức ép của ngân hàng sau sáp nhập, Moody’s cho rằng, ban lãnh đạo của SHB sẽ đối mặt với thách thức về quy mô của thương vụ. Trong đó, tổng tài sản của Habubank tương đương tới 58% của SHB.